Bà mẹ nào cũng muốn dạy con kinh nghiệm về nguy hiểm. Làm sao để chỉ cho một đứa trẻ biết tránh xa nồi canh mới nấu, bàn ủi, ổ điện, dao kéo, cầu thang... Không thể chỉ vào những thứ đó và nói rằng "rất nguy hiểm" là đứa trẻ biết bò có thể hiểu rõ.Nhiều bà mẹ tìm cách "nhốt" con vào chỗ an toàn, có người ngăn chặn, có người cố giải thích nhưng lại không cho trẻ cơ hội trải nghiệm.
Yêu con nhưng cần dạy con kinh nghiệm sống để tự bảo vệ mình
Một quy trình dạy trẻ kinh nghiệm gồm ba bước:
- Đầu tiên là giải thích: Với khái niệm nguy hiểm, bạn nói cho con biết dao, lửa, nước sôi, điện... có thể gây đau đớn cho con khi trẻ chưa biết cách sử dụng.- Bước tiếp theo cho con bài tập để trải nghiệm (với những gì không nguy hiểm đến sức khỏe). Ví dụ bạn có thể cầm tay con sờ vào ly nước nóng, theo phản xạ trẻ sẽ rụt tay lại. Để thêm phần ấn tượng, bạn nhúng một ngón tay của con thật nhanh vào nước nóng trong ly rồi lấy ra, kèm theo là giọng nói có cảm xúc: "Nóng, không được đụng vào".Bố mẹ phải thường xuyên lặp lại bài tập để trẻ không quên. Đặc biệt, không được nói dối con khi dạy kinh nghiệm. Ví dụ, đứa trẻ cầm thỏi son, bà mẹ muốn lấy lại nên nghiêm giọng với con "nguy hiểm lắm". Khi trẻ tự khám phá thỏi son chẳng có gì nguy hiểm cả thì những lời nói của bà mẹ sẽ bị trẻ bỏ qua. Bước cuối cùng là kết luận: Đứa trẻ không chỉ biết mà còn từng bị nóng, sẽ tự động tránh xa cái nồi hay ly nước đang bốc khói. Khi có kinh nghiệm, có ý thức, trẻ sẽ tự tìm lý do để tránh những nơi nguy hiểm.
3 'nguyên tắc vàng' cho bé hành vi tốt |
|
1. Mẹ phải luôn giữ bình tĩnh.
Hãy hướng bé tới những việc tốt bằng cách dùng ngôn ngữ trực tiếp và giọng nói nhẹ nhàng. "Các bé, nhất là dưới 6 tuổi vẫn còn đang hoàn thiện kỹ năng lắng nghe và hiểu yêu cầu của mẹ" - Kathleen Cranley Gallagher (Giám đốc chương trình gia đình và chăm sóc trẻ em) cho biết. Vì thế, hãy yêu cầu bé những việc rõ ràng, dùng câu ngắn và nhìn thẳng vào bé.Nếu bé vừa làm rách trang sách, bạn có thể nói nhẹ: "Con nhẹ tay với quyển sách thôi". Nên nói thẳng cho bé những gì mẹ muốn hoặc mẹ mong đợi, chứ đừng vòng vo: "Chẳng ai lại mở sách như con cả".Nếu bạn đang nóng giận, hãy hít thở thật sâu trước khi bạn muốn dạy bé điều gì. Bạn cũng nên thư giãn và tự nhủ: "Bé làm như thế chưa hẳn là do bé hư".
"Các bé thường thích phá vỡ quy tắc và đó là cách bé học hỏi" - Jenn Berman (tác giả cuốn sách 12 cách để bé trưởng thành trong 3 năm đầu đời) cho biết. Chẳng có lý do gì để giải thích vì sao bé thích lôi quần áo đã gập gọn trong ngăn tủ ra ngoài hoặc dùng bút đánh dấu lên má em gái mình. Đơn giản vì bé thích làm những việc đó và vì chúng là những việc nằm ngoài quy tắc nên thường làm cha mẹ giận dữ.
Cha mẹ không cần lúc nào cũng tươi cười và che giấu sự thất vọng của mình. Bạn sẽ khiến bé bối rối vì lời nói và biểu hiện nét mặt trái ngược nhau. Tất nhiên, mắng mỏ con không phải cách hiệu quả. Một giọng điệu giận dữ có thể làm bé sợ hãi và khiến bé khó tiếp thu lời mẹ. "Khi bạn la hét, con của bạn sẽ bị rối loạn cảm xúc và sẽ khó khăn nhiều hơn cho bé để lắng nghe và ghi nhớ những gì mẹ dạy bảo khi đó" - chuyên gia Jenn tiết lộ.Cha mẹ nên "tiết kiệm" quát con để dùng trong những trường hợp "cần kíp" như khi bé chạy xuống lòng đường hoặc chạm vào đồ ăn nóng.
2. Lập giới hạn
Cần để bé hiểu rằng không phải khi nào bé cũng được làm những gì bé muốn và dạy bé chịu trách nhiệm cho hành động của mình. "Em bé của bạn sẽ không vui khi bị cấm đoán nhưng một khi đã hiểu và tuân theo những nguyên tắc, bé sẽ chấp nhận và chịu hợp tác với mẹ" - chuyên gia Jenn gợi ý.Điều quan trọng là nguyên tắc của mẹ phải công bằng và phù hợp với lứa tuổi. Ưu tiên hàng đầu là nên lập giới hạn cho bé có liên quan đến sức khỏe, an toàn và phép lịch sự. Điều này có nghĩa là không trèo balcon, không la hét khi em bé đang ngủ trưa, không ăn đất cát...
Khi con bạn phá vỡ những nguyên tắc, điều quan trọng là cần giải thích cho bé về hậu quả. Điều này giúp bé tìm hiểu những việc làm đúng đắn và biết tự điều chỉnh hành vi của bản thân. Có thể giải thích và chỉ cho bé thấy hậu quả từ sớm, không liên quan đến việc em bé của bạn được bao nhiêu tuổi. Có thể kèm theo một số nguyên tắc cụ thể; chẳng hạn, nếu bé không chịu đi rửa tay thì bé chưa được ăn bánh.
3. Khuyến khích hợp tác
Khi có ý thức tốt, bé sẽ tự nguyện làm theo những quy tắc. Điều này giúp ngăn ngừa rất nhiều hành vi xấu.Ngoài ra, cũng nên cho bé lựa chọn để bé được thoải mái và hợp tác với mẹ: Cho bé chọn váy tím hoặc váy xanh khi về ông bà ngoại; cho bé chọn ăn táo hoặc ăn lê ở bữa phụ; hoặc cho bé nán lại sân chơi vài phút nữa theo mong đợi của bé...Các bé luôn bị mâu thuẫn giữa bị lệ thuộc và muốn tự chủ. Do đó, bạn có thể dạy bé mạnh mẽ và độc lập hơn bằng cách để bé được phép làm vài việc theo yêu cầu của bé.
|
Nhiều kinh nghiệm sống rất khó dạy cho trẻ vì mang tính trừu tượng như: kiềm chế, tự trọng, cảm thông, chia sẻ, kiên trì... Thế nhưng, một đứa trẻ sẽ cho bạn vô số tình huống để bố mẹ bộc lộ tài năng dạy con. Ví dụ, các bà mẹ hay nhờ cô giúp việc lừa rồi bế trẻ đi chỗ khác để mẹ ra khỏi nhà. Hậu quả là bạn gieo cho trẻ một cảm xúc "giận và ghét mẹ". Có bà mẹ quá thương con đi không đành, phải xin phép nghỉ việc.Hãy thử một cách khác với sự trợ giúp của người thân, bạn nói tạm biệt con rồi bước đi núp ngoài cửa. Trẻ ở lại sẽ khóc nhưng vẫn an toàn khi có người lớn trông. Đợi lúc trẻ dịu đi, bà mẹ bước vào: "Mẹ về rồi đây, con ngoan quá, không khóc nhè nữa". Nhưng vài phút sau mẹ lặp lại hành động đó với thời gian quay vào dài hơn... Dần dần trẻ học được kinh nghiệm: "Mẹ không bao giờ đi luôn và sẽ về khi con ngoan". Qua đó, trẻ mới biết thế nào là cảm thông khi mẹ ra khỏi nhà.
Ở độ tuổi 0-6 tuổi được gọi là thời kỳ vàng, vì đây là khoảng thời gian trẻ tiếp thu tốt nhất những giá trị sống, kỹ năng sống. Nhiều ông bố, bà mẹ không biết mình đã mang "vàng" vứt đi. Từ tuổi 12 trở đi, trẻ phải học kinh nghiệm sống bằng biến cố, đó là loại bài học kèm đau thương, cay đắng, trả giá... |