Trẻ thường tâm sự với cha mẹ: Thể hiện cảm xúc và sử dụng chúng để tạo kết nối với người khác là điều quan trọng để có EQ cao. Theo đó, chúng ta với tư cách là cha mẹ nên khuyến khích con cái bày tỏ khi chúng cảm thấy tồi tệ. Cha mẹ cũng nên thường xuyên kết nối với trẻ để con có thể cởi mở, hỗ trợ trẻ giải quyết vấn đề và đối phó với những thay đổi trong cảm xúc của mình. Ảnh: Huffpost.
Trẻ tò mò: Cởi mở, muốn tìm hiểu về thế giới và những người khác là dấu hiệu của trẻ có chỉ số EQ cao. Nếu con liên tục hỏi "tại sao" hoặc bị lôi cuốn vào câu chuyện về cuộc đời, nỗ lực của người khác, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tiếp tục phát huy. Vì điều này là cách rõ ràng để phát triển sự đồng cảm - dấu hiệu của chỉ số EQ cao. Ảnh: Highlights.
Sử dụng ngôn ngữ để bày tỏ về cảm xúc của mình: Theo Huffington Post, những đứa trẻ có chỉ số EQ cao rất giỏi trong việc nhận biết và bày tỏ cảm xúc đa dạng của mình. Chẳng hạn, trẻ sẽ buồn khi không thể đi chơi với bạn bè, phấn khích khi có đồ chơi mới, tức giận hay sợ hãi điều gì đó. Ảnh: Helpguide.
Đồng cảm với người khác: Trẻ có chỉ số EQ cao có thể cảm nhận được cảm xúc của người khác. Nếu trẻ biết ôm bạn khi thấy bạn buồn, hay muốn giúp đỡ những đứa trẻ khác ở sân chơi, trường học, đó chính là dấu hiệu của sự đồng cảm. Ảnh: Parentology.
Trẻ biết lắng nghe: Những đứa trẻ có EQ cao thường trở thành người lắng nghe trong các nhóm bạn của mình. Mọi người tin tưởng trẻ sẽ lắng nghe và đứng ra giải quyết vấn đề. Cha mẹ có thể thúc đẩy khả năng lắng nghe của trẻ bằng cách cho con thấy cảm giác vui vẻ của mọi người khi được người khác lắng nghe. Ảnh: Heysigmund.
Trẻ có thể giữ bình tĩnh: Trẻ nhỏ có những cảm xúc thô sơ và khó kiểm soát. Khả năng quản lý cảm xúc và đối phó khi mọi thứ không theo ý mình không phải là kỹ năng mà trẻ nào cũng có được khi còn nhỏ. Là cha mẹ, chúng ta nên khuyến khích trẻ khi con nỗ lực giữ bình tĩnh bằng nhiều cách khác nhau như hít thở sâu, đếm... Đây chính là nền tảng để phát triển EQ. Ảnh: Empoweringparents.
Biết nói "không" khi cần thiết: Trẻ em có EQ cao có nhiều khả năng thiết lập và đặt ra các ranh giới cá nhân của riêng mình. Trẻ sẵn sàng từ chối, nói "không" với những điều mình không muốn. Chúng có thể nói lên và kiên quyết bày tỏ mong muốn đó nhưng vẫn thể hiện hợp lý, tử tế. Ảnh: Verywellfamily.