Theo thống kê từ Cục Y tế Dự phòng, hiện tại cả nước tới hơn 100.000 người mắc sốt xuất huyết, tại Hà Nội số ca mắc sốt xuất huyết liên tục gia tăng với hàng nghìn người mắc mỗi tuần.
Tại Hà Nội, từ ngày 1/1/2017 đến 22/8/2017, Hà Nội ghi nhận 19.962 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong. Với con số này, Hà Nội đang là tỉnh thành có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước.
Trước tình hình dịch tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TW đánh giá với tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có nhiều diễn biến phức tạp ở Hà Nội, người dân cần lưu ý các dấu hiệu nguy hiểm để nhập viện ngay.
Cũng theo BS, sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu không có biểu hiện gì bất thường, tuy nhiên từ ngày thứ 4 trở đi, bệnh nhân tuy hết sốt nhưng bắt đầu có những biến chứng, chính vì vậy cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám.
Sốt xuất huyết thường có những biến chứng nguy hiểm như cô đặc máu trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến tụt huyết áp, sốc, nếu không nhanh chóng cấp cứu bệnh nhân sẽ tử vong.
Một biến chứng khác nữa là xuất huyết, các bệnh nhân thường sẽ có chảy máu, có thể là chảy máu dưới da, chân rang, xuất huyết dạ dày…. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng hiếm gặp khác như viêm não, viêm cơ tim…
Còn theo TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai cho biết, khi bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện như:
Thứ nhất: tự nhiên bồn chồn, kích thích vật vã hoặc li bì
Thứ hai: Nôn tăng
Thứ ba: Tự dưng đau bụng, tăng cảm giác đau
Thứ tư: Tiểu ít, số lần ít hơn, số lượng giảm hơn
Thứ 5: Chảy máu bất kỳ chỗ nào như chân rằng, máu cam.
Gặp 5 dấu hiệu này cần nhanh chóng nhập viện nội trú nếu không sẽ nguy hiểm.
Khi có dấu hiệu cảnh báo trên tuyệt đối không uống thuốc nam, thuốc bắc và không tự dùng kháng sinh tại nhà vì tất cả các thuốc đó không trị được sốt xuất huyết.
Một số trường hợp bác sĩ phải sử dụng kháng sinh trong những ngày thứ 5 - 6 do bệnh nhân bị bội nhiễm.
Nếu nhiệt độ không hạ có thể nằm phòng điều hòa 27 - 28 độ C và có thể sử dụng thêm các biện pháp vật lý.
Tuy nhiên, bác sĩ nhấn mạnh không tự ý truyền dịch, nếu cần truyền dịch phải được bác sĩ chỉ định với sự theo sát của bác sĩ và y tá để tránh gây sốc.
Thực tế nhiều bệnh nhân thấy mệt mỏi nhưng chưa đủ tiêu chuẩn nhập viện họ thường tìm đến các cơ sở y tế tư nhân để truyền dịch gây biến chứng, sốc do truyền quá thừa dịch hoặc thiếu dịch vì không xét nghiệm lượng dịch cần truyền vào.
Chính vì thế, bác sĩ cho biết, với sốt xuất huyết chỉ uống hạ sốt và oresol là tốt nhất.
Ngoài ra, có thể dùng thêm nước hoa quả như nước dừa, nước rau, thậm chí nước lọc và người bệnh cần nghỉ ngơi hoàn toàn.
Nếu trẻ nhỏ bị sốt xuất huyết, cha mẹ nên nghỉ làm ở nhà theo dõi sức khỏe của con để biết các dấu hiệu của trẻ.