Điều các ba mẹ và cả trẻ đang mong đợi nhất lúc này là trường học mở cửa và trẻ lại được tham gia các hoạt động học tập tại trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, trẻ sẽ phải tiếp tục học online trong thời gian tới, điều này đồng nghĩa với việc, ba mẹ cần sát sao với việc học của trẻ hơn, bởi vì, không gian học tập trên mạng internet có thể mang đến nhiều nguy cơ với sức khoẻ thể chất và tinh thần của trẻ nếu không có sự kiểm soát an toàn và hướng dẫn của ba mẹ.
Những nguy cơ có thể xảy ra với trẻ khi đi học ở trường như tiếp xúc với người lạ, bị bạn bè bắt nạt, căng thẳng, kiệt sức hay thậm chí là gặp các tai nạn đáng tiếc… đều có thể xảy ra với trẻ khi học online. Bởi thế, những lưu ý trong bài viết này là lời nhắc nhở cần thiết để ba mẹ cẩn trọng hơn trong việc chuẩn bị cho trẻ các kỹ năng học online an toàn, đồng thời cũng biết cách đồng hành và hỗ trợ con hiệu quả hơn.
1. Không gian học tập an toàn
Khi học online, “không gian học tập” của trẻ là các thiết bị điện tử mà trẻ sử dụng (máy tính, iPad, điện thoại…), hãy chắc chắn rằng, bạn đã dọn dẹp sạch sẽ những thông tin, tài liệu của mình lưu trên máy. Đôi khi, những trang thông tin, những bộ phim hay các hình ảnh người lớn mà ba mẹ xem lưu lại trên máy vô tình hiện ra và trẻ có thể xem được mà bạn không hề biết bởi việc trẻ tò mò với các thông tin trên thiết bị điện tử là không tránh khỏi, đặc biệt là với trẻ lớn khi học online một mình không có sự giám sát của ba mẹ.
Lưu ý với các thiết bị điện
Một yếu tố an toàn khác là các thiết bị điện mà trẻ sử dụng trong quá trình học. Trẻ ở độ tuổi hiếu động và hiếu kỳ có thể sờ chạm hay chọc ngoáy vào ổ, dây cắm điện; trẻ học vừa cắm sạc cho thiết bị điện tử hay dùng thiết bị khi tay đang ướt… dẫn đến những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Vì thế, hãy đảm bảo rằng, luôn có ít nhất một người lớn có thể để mắt và theo sát trẻ trong các giờ học online ở nhà. Ngoài việc dặn dò và hướng dẫn trẻ những lưu ý an toàn tối thiểu đó, ba mẹ còn cần luôn có mặt ở bên để hỗ trợ trẻ trong những tình huống bất ngờ xảy ra khi học.
2. Tư thế học tập an toàn
Hoạt động học online khiến cho thời gian trẻ sử dụng máy tính, các thiết bị điện tử thông minh hàng ngày tăng lên đáng kể, vì thế, nếu trẻ không được hướng dẫn một tư thế ngồi học đúng đắn thì có thể gây ra những nguy cơ cột sống, thị lực và sức khoẻ của trẻ nói chung. Bên cạnh việc chuẩn bị bàn ghế đúng kích thước tiêu chuẩn, vừa vặn với tầm vóc của trẻ thì việc nhắc nhở trẻ ngồi học đúng tư thế (ngồi thẳng lưng, không tì bụng và ngực vào cạnh bàn), luôn chỉnh màn hình thiết bị vừa tầm mắt trẻ, tốt nhất nên ngồi cách màn hình 50-70cm để bảo vệ đôi mắt sáng khoẻ.
Nên có những khung giờ nghỉ giải lao
Đặc biệt, không nên để trẻ ngồi trước màn hình liên tục trong thời gian quá dài, hãy khuyến khích trẻ đứng lên, rời khỏi bàn vào giờ nghỉ giải lao sau 35-40-45 phút học liên tục để cho mắt và đầu óc nghỉ ngơi. Trẻ có thể tập một vài động tác vận động nhỏ để giãn cơ, trò chuyện với ba mẹ, ngắm cây xanh và bầu trời, uống nước và đi vệ sinh. Ba mẹ rất cần để ý nhắc nhở trẻ điều này, bởi việc sử dụng thiết bị điện tử liên tục trong thời gian quá dài là yếu tố có thể gây ra những nguy cơ trực tiếp tới sức khoẻ thể chất và tinh thần của trẻ.
3. Những kết nối an toàn:
Khi học online trẻ có thể cần sử dụng rất nhiều công cụ, đường link, phần mềm, nền tảng khác nhau để làm bài tập, tương tác với thầy cô giáo. Bởi vì các đường link trên internet có thể dẫn dắt trẻ đến vô số những kết nối khác một cách dễ dàng, nên ba mẹ cần liên tục kiểm tra để nắm được lịch sử các địa chỉ trang web mà trẻ đã sử dụng để kịp thời phát hiện ra các tình huống nhạy cảm có thể xảy ra.
Hãy quan tâm và hướng dẫn con xử lý
Ba mẹ cũng cần chia sẻ với trẻ về cách xử lý đối với những đường dẫn lạ xuất hiện trong quá trình học hoặc yêu cầu trẻ phải xin phép ba mẹ khi tải các ứng dụng mới về thiết bị của mình , bởi đó có thể là những đường dẫn, ứng dụng giả mạo hoặc có chứa virus khi click vào có thể dẫn đến những thông tin bạo lực, trang web người lớn … không phù hợp lứa tuổi, đánh cắp thông tin trong máy của bạn hoặc làm hư hỏng máy tính.
Những cuộc trò chuyện về nguyên tắc khi chia sẻ thông tin, khi viết những bình luận, khi gửi thông tin… trên mạng của ba mẹ với trẻ cũng rất cần thiết. Những giao tiếp của trẻ trên không gian mạng có thể khiến trẻ trở thành kẻ bắt nạt hoặc nạn nhân bị bắt nạt mà ba mẹ không hề hay biết. Hãy hạn chế tối đa việc trẻ có thể tham gia vào các mạng xã hội, đặc biệt là trong giờ học và thường xuyên chia sẻ với trẻ để cùng trẻ xây dựng những kết nối trên mạng an toàn, đáng tin cậy.
Bảo vệ cả sức khỏe thể chất và tinh thần của con.
Trẻ luôn cần có ba mẹ ở bên để cảm thấy bình an và được bảo vệ và trẻ cũng cần được vận động thể chất đầy đủ hàng ngày để phát triển mạnh khoẻ và giúp cho tinh thần, cảm xúc luôn sảng khoái tích cực. Để trẻ có những giờ tập luyện sảng khoái và khoẻ khoắn sau giờ học online