Việc đổ mồ hôi trộm vào ban đêm là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản
Đổ mồ hôi trộm là tình trạng phổ biến ở hầu hết trẻ nhỏ. Dấu hiệu để xác định trẻ mắc chứng đổ mồ hôi trộm là trẻ quấy khóc nhiều vào ban đêm, ngủ không yên giấc, hay giật mình thức giấc.
Nguyên nhân trẻ đổ mồ hôi trộm thường do tình trạng bệnh lý như thiếu vitamin D, mắc bệnh nhiễm khuẩn, còi xương... hoặc do môi trường ngoại cảnh như đắp nhiều chăn, phòng ngủ bí, ngột ngạt...
Trẻ dưới 1 tuổi đang ở giai đoạn hệ xương phát triển mạnh mẽ nhất nên đa phần thiếu vitamin D và mắc chứng mồ hôi trộm. Những trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ mắc các chứng bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hóa kéo dài, còi xương... cũng thiếu vitamin D trầm trọng.
Những trẻ này thường đổ mồ hôi nhiều ở phần trán, vùng gáy ngay cả khi thời tiết đang lạnh, đặc biệt là lúc ngủ.
Phân biệt mồ hôi trộm sinh lý và mồ hôi trộm bệnh lý
- Mồ hôi trộm sinh lý: Sự trao đổi chất ở trẻ nhỏ diễn ra mạnh hơn ở người lớn, nếu tăng một chút hưng phấn và kích thích như nô đùa nhiều vào ban ngày, gặp điều sợ hãi trong giấc ngủ thì sẽ ra mồ hôi trộm để tỏa nhiệt trong cơ thể.
Mồ hôi trộm sinh lý thường ra nhiều ở đầu và cổ, thường phát sinh khoảng 30 phút sau khi bé ngủ và 60 phút sau thì không còn nữa. Ngoài ra việc đắp chăn quá dày khi bé ngủ hoặc phòng ngủ ngột ngạt, không thông gió khiến trẻ thấy khó chịu và toát mồ hôi.
Mồ hôi trộm sinh lý thường không gây ảnh hưởng đáng ngại tới sức khỏe của trẻ nên phụ huynh không cần quá lo lắng.
- Mồ hôi trộm bệnh lý: Thường xuất hiện khi trẻ ngủ, ngay cả khi thời tiết lạnh, mặc quần áo thoáng mát, khi trẻ bú thì có thể trẻ đang mắc phải bệnh còi xương nếu kèm những biểu hiện thóp chậm liền, đầu xương to, ngực nhô mình gà, chân vòng kiềng. Hoặc mắc lao sơ nhiễm nếu kèm các biểu hiện ho kéo dài, ăn uống kém, chụp X-quang cho thấy phổi bị tổn thương.
Hậu quả khi trẻ đổ mồ hôi trộm
Trẻ đổ mồ hôi trộm khi ngủ sẽ cản trở giấc ngủ sâu của bé, khiến trẻ trằn trọc, hay thức giấc, quấy khóc, gây nhiều phiền toái và lo lắng cho bố mẹ.
Ngoài ra, việc đổ mồ hôi trộm còn khiến cơ thể bé dễ bị cảm lạnh và mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản... do lỗ chân lông mở rộng khi quá trình tiết mồ hôi diễn ra nhiều và liên tục.
Ra mồ hôi quá nhiều còn khiến trẻ mất đi một lượng nước và muối khiến trẻ dễ bị táo bón, tiểu ít, nước tiểu vàng, cơ thể nóng, nhiệt, rối loạn tiêu hóa, khô háo, mệt mỏi, chán ăn, cơ thể mất trạng thái cân bằng và suy kiệt dần, gầy mòn dẫn đến suy dinh dưỡng, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.
Hơn thế nữa, việc ra mồ hôi nhiều còn khiến lỗ chân lông giãn ra, ứ đọng các chất cặn bã, dễ bị viêm nhiễm, mụn nhọt, rôm sảy, ngứa...
Biện pháp khắc phục chứng ra mồ hôi trộm
Bổ sung vitamin D
Tăng cường vitamin D cho trẻ bằng cách tắm nắng 20 phút vào mỗi buổi sáng (trong khoảng thời gian từ 8-10 giờ) hoặc cho trẻ uống vitamin D dưới sự hướng dẫn và kê đơn của bác sĩ.
Dinh dưỡng hợp lý
Cho trẻ bổ sung đủ các chất bột, đạm, chất béo và vitamin, khoáng chất, nước. Nên cho trẻ ăn những loại rau có tính mát như rau cải, rau má, bí đao, cam, quýt..., không cho trẻ ăn quá nhiều những thức ăn có tính nóng như dầu mỡ, hải sản, thịt bò... và các loại trái cây như mít, sầu riêng, xoài...
Những thức ăn này sinh nhiệt nhiều trong quá trình chuyển hóa dễ làm cơ thể trẻ ra nhiều mồ hôi, gây nổi mụn, mẩn ngứa.
Không để trẻ bị mất nước
Bổ sung nước đầy đủ cho trẻ để bù lại lượng nước đã mất qua đường mồ hôi khi trẻ chơi đùa, nghịch. Vì mất nhiều nước sẽ làm nhiệt độ cơ thể tăng dẫn đến tình trạng đổ mồ hôi trộm.
Giữ phòng ngủ của trẻ luôn thoáng mát
Để phòng ngừa và khắc phục chứng bệnh khó chịu này, cha mẹ nên giữ môi trường sinh hoạt và cơ thể của bé phải luôn thoán mát, sạch sẽ.
Lưu ý: Khi trẻ đang đổ mồ hôi tuyệt đối không đưa trẻ đi tắm ngay mà nên dùng khăn mềm lau mồ hôi, nhất là với những bé có nhiều mồ hôi trộm ở vùng đầu, lưng. Điều này không những giúp bé tránh bị nhiễm lạnh mà còn đẩy lùi hiện tượng mồ hôi hấp thụ ngược lại vào trong cơ thể.
Những món ăn đơn giản trị chứng đổ mồ hôi trộm ở trẻ
Cháo trai trị mồ hôi trộm
Nguyên liệu: 5 con trai đồng loại vừa, 30g lá dâu non, 50g gạo nếp, 50g gạo tẻ.
Cách làm: Trai làm sạch, thái nhỏ, xào thơm. Gạo nếp và gạo tẻ ninh nhừ với nước luộc trai. Khi gạo nhừ cho trai đã xào và lá dâu vào, nêm vừa gia vị. Cho bé ăn 2 lần/ngày khi đói, ăn liên tục trong 4-5 ngày sẽ giúp bé giảm hẳn mồ hôi trộm.
Chè đậu xanh chữa mồ hôi trộm
Nguyên liệu: 50g đậu xanh, 50g gạo nếp, 10g lá dâu non khô.
Cách làm: Đậu xanh, gạo nếp sao vàng, tán thành bột. Đun kỹ lá dâu với 250ml nước, chắt lấy nước. Cho bột đậu xanh, gạo nếp, đường vừa đủ vào nước lá dâu đun sôi.
Cho trẻ ăn 2 lần/ngày khi đói và ăn liên tục trong 7 ngày để giúp bé hạn chế ra mồ hôi trộm.
Cháo nếp cẩm trị ra mồ hôi trộm
Với trẻ sơ sinh, xay nếp cẩm còn nguyên cám thành bột rồi nấu thành cháo. Còn đối với trẻ lớn hơn thì có thể nấu thành cháo nguyên hạt hoặc đồ thành xôi cho trẻ ăn. Cho trẻ ăn liên tục trong vài tuần để hạn chế mồ hôi trộm.
Uống nước lá dâu trị mồ hôi trộm
Đun 10g lá dâu khô với 5g rau má khô với 200ml nước, đun kỹ, chắt lấy nước uống. Cho trẻ uống 2 lần/ngày, dùng liên tục trong 5 ngày. Nếu trẻ lớn hơn có thể nấu thành canh và cho trẻ ăn với cơm liên tục trong 5 ngày.