Con vào lớp 1 không còn là chuyện của riêng bé nữa mà trở thành bước ngoặt của cả gia đình. Cần làm gì ở thời điểm này là điều không phải cha mẹ nào cũng rõ. Sự thay đổi từ môi trường mầm non sang lớp 1 là bước ngoặt của cả con và cha mẹ. Trong trường hợp đó, các vị phụ huynh cần làm gì để cân bằng lại cuộc sống “yên bình” như khi con còn học ở mầm non và tạo mọi điều kiện để con không bị “sốc” trước môi trường mới? Vấn đề này nhìn vào có vẻ đơn giản nhưng khiến không ít phụ huynh khó xử và đau đầu. Cùng nhìn nhận xem đây có phải là chuyện quá phức tạp hay không?
Con vào lớp 1 không tránh khỏi những chuyển biến mới trong tâm lý dẫn đến việc bối rối cho các bậc làm cha, mẹ. Việc giúp con từ một đứa trẻ đang được yêu thương, bảo bọc và ỷ lại trở nên trưởng thành và tự lập hơn, biết rèn luyện những thói quen tốt là điều không dễ dàng. Có cùng con vượt qua được những trở ngại đó hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách cư xử của phụ huynh trong giai đoạn “chuyển mùa” này. Có con sắp bước vào lớp 1, sau đây là những điều phụ huynh cần làm để cuộc sống của cả gia đình không bị xáo trộn quá nhiều.
1. Khơi gợi sự hứng khởi khi cùng con học cách đọc và viết
Suy nghĩ và hành động của trẻ em khác xa người trưởng thành, chúng chỉ thật sự đặt mối quan tâm vào những gì chúng thích, kể cả việc học. Vì vậy, việc cha mẹ cần làm chính là cho con tiếp cận với việc đọc và viết một cách tự nhiên, hứng khởi nhất. Vì thế, cha hay mẹ nên là những “nhà giáo” đầu đời dạy chữ cho con mình. Việc làm này sẽ giúp bé không ngần ngại đưa ra những câu hỏi và bạn sẽ là người giúp con giải đáp, đồng thời học với bạn con sẽ không có cảm giác việc học quá áp lực mà chỉ như vui chơi, trò chuyện với ba mẹ mà thôi.
Ví dụ, trẻ con thường ngưỡng mộ những ai làm điều mà chúng không làm được. Nếu bố mẹ nào có thói đọc truyện cho con trước khi ngủ, tự khắc con sẽ xem việc biết đọc những quyển sách là điều to lớn, tuyệt vời và cha mẹ làm được điều đó chính là “người hùng”. Dần dà khi con trưởng thành, con cũng muốn làm được điều đó để trở thành “người hùng” như cha mẹ. Thì phải chăng lúc này nếu bé có sợ tiếp xúc với con chữ, cha mẹ cũng có “cớ” để tạo động lực cho con?
2. Tạo động lực bằng cách đưa ra những phần thưởng khi con làm tốt
Khi con thực sự bước chân vào lớp 1, môi trường đó ít nhiều tạo ra những cạnh tranh và thi đua giữa con và các bạn bởi những bài phát biểu, bài tập hay kiểm tra. Và đưa ra những phần thưởng khi con làm tốt chính là “1 trong 10 cách dạy con hay ho của người Nhật”. Những phần thưởng đó có thể là những lời khen, lời động viên như: “Con làm tốt lắm, tiếp tục như vậy nhé” hay những phần quà cuối tuần như dắt con vui chơi công viên, sở thú,… Nói là phần thưởng nhưng thay vì thưởng cho con những món đồ chơi mới khiến con dễ sao nhãng, bạn nên dành thời gian cùng con đến những nơi đó để khám phá thế giới xung quanh, cũng là một cách giúp con tiếp thu kiến thức từ thực tiễn. Có những phần thưởng này, con bạn sẽ có động lực học tập mà không nhận thấy bất cứ áp lực nào. Khi bạn cố gắng trong công việc của mình, sếp bạn động viên bằng cách tăng lương hay thăng chức, bạn sẽ có động lực cố gắng hơn hẳn thì với một đứa trẻ cũng là như vậy.
3. Trò chuyện cùng con như với một người bạn
Một trong những cách cùng con vượt qua những bước ngoặt quan trọng của đời như bước vào lớp 1, bước vào tuổi dậy thì hay giai đoạn trưởng thành,… đều là sự lắng nghe từ cha mẹ. Nghe con nói và cùng con giải quyết những khó khăn chính là tạo cho con điểm tựa và niềm tin vào cha mẹ. Khi con lớn đồng nghĩa với khoảng cách với cha mẹ ngày càng xa dần – là quan niệm không đúng bởi khi bạn tập cho con thói quen chia sẻ, tâm sự với bạn từ khi còn nhỏ thì sau này, dù lớn thế nào con cũng sẽ hướng về bạn như hướng về điểm tựa duy nhất của cuộc đời.
Tập cho con thói quen tâm sự và lắng nghe con từ thuở bé.
Con bước vào môi trường mới với những thay đổi xành xoạch trong những ngày đầu, cha mẹ hẳn là người luôn sát cánh bên con, nghe con chia sẻ về một ngày của mình. Sau khi lắng nghe những tâm sự, cha mẹ nên nhớ là cùng con giải quyết vấn đề chứ không phải giải quyết vấn đề thay con, vì vậy lắng nghe và xử lý đúng đắn sẽ khiến giai đoạn “giao mùa” này của con không còn là gánh nặng.
4. Tập cho con cách xử lý những tình huống bất ngờ
Phụ huynh nên giả định và tập trước với con những tình huống có thể xảy ra khi đến lớp và cách xử lý hiệu quả nhất. Đây đồng thời cũng giúp rèn khả năng ghi nhớ và giải quyết tình huống của con:
Kĩ năng ghi nhớ: Dạy con ghi nhớ số điện thoại của cha và mẹ , địa chỉ nhà phòng trường hợp con đi lạc hay gặp nguy hiểm.
Đồng thời kết hợp với kĩ năng gọi điện thoại hay nhờ những người xung quanh giúp đỡ.
Nếu con quên mang theo tiền thì cần phải làm gì?
Cách tiếp cận và làm quen với nhiều bạn mới
Cách nhờ cô giáo giúp đỡ khi gặp khó khăn
Cách ứng xử khi gặp những người lạ
Những tình huống đó sẽ giúp con phản xạ nhanh khi gặp ngoài thực tế, đồng thời giúp con dạn dĩ hơn trước cô giáo và bạn bè, cảnh giác với người lạ.
Một số việc làm phụ huynh cần tránh:
- Không gửi con đi học chữ trước, học thêm khi con vừa vào lớp một. Cách làm này nếu không làm con áp lực và chán nản với việc học thì việc tiếp thu kiến thức trước các bạn dễ khiến con chủ quan, lơ là.
- Những ngày đầu con đến trường, ba mẹ nên là người trực tiếp đưa con đi học. Trên đường đi trò chuyện với con nhiều hơn để con có kỉ niệm về những ngày đầu đi học và có thêm động lực tới trường.
- Không lưu luyến, bịn rịn khi con vào cổng. Khi con quấy khóc và không muốn đến lớp, không được đẩy con đến trường, mặc kệ con hay dỗ ngọt bằng cách hứa “Lát sẽ đến đón…” sẽ làm con bị tổn thương và mất niềm tin vào lời hứa của bạn.
- Tập cho con những thói quen tốt như: ngủ sớm vào buổi tối, dậy sớm vào mỗi sáng và rèn tính tự lập khi tự làm những việc nhỏ nhặt một mình hay giúp đỡ ba mẹ,…