Chế độ ăn của trẻ em sẽ thay đổi dần theo từng tháng tuổi. Bạn nên chú ý cho bé nhiều sự lựa chọn thức ăn và cũng đừng ép bé khi bé không muốn.
Thói quen ăn uống và sức khỏe
Một đứa bé trong độ tuổi từ 1 đến 5 thường ăn ba bữa chính và hai bữa ăn phụ mỗi ngày, nhưng cũng có một số bé ăn ít hơn mỗi bữa, nhưng lại ăn thường xuyên hơn. Điều này là rất bình thường. Quan trọng mà bạn phải nhớ đó là mỗi người mỗi khác, nếu con bạn không ăn giống như bạn thì cũng không thành vấn đề. Hầu hết bé cần ăn mỗi 3-4 giờ, như thế thói quen ăn uống hàng ngày của bé dần dần được hình thành. Chậm 10 phút, cho dù là với một bữa ăn chính hay phụ đều có thể làm bé khó chịu vì đói. Lúc này là lúc bạn luống cuống và dễ phạm sai lầm trong việc chọn thức ăn để nhanh nhanh trấn an bé đang cáu kỉnh.
Đừng ngạc nhiên nếu trong vòng 12 tháng, con bạn ăn rất nhiều, nhưng lại tăng trưởng chậm và lười ăn và thậm chí bắt đầu có biểu hiện kén chọn thức ăn.
Lúc này đừng lo lắng vì bé sẽ không nhịn đói đâu. Sự tăng trưởng và phát triển của bé mới là thước đo quan trọng, chứ không phải là số lượng thực phẩm bé ăn mỗi ngày. Thêm nữa, hãy luôn nhớ rằng, thức ăn bạn chuẩn bị cho bé mỗi ngày mới là điều đáng quan tâm. Chung quy lại, câu chuyện chỉ xoay quanh việc bạn cho bé ăn gì, và bé ăn những gì bạn cho.
Ý tưởng cho bữa ăn lành mạnh
Xem tất cả các công thức nấu ăn cho bé tuổi tập đi.
Thanh thức ăn hỗn hợp cho bé
Các thanh thức ăn hỗn hợp này chứa nhiều trái cây và là một món ngon, tốt cho sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Yến mạch trái cây
Thật tuyệt vời khi bạn thay đổi thực đơn ăn sáng cho bé với món này vì yến mạch là một thực phẩm bổ dưỡng.
Rau hầm kiểu Ý (minestrone) cho mùa đông
Không cần dùng đến nồi hầm, nhưng bạn vẫn có thể nấu được một nồi súp rau hầm kiểu Ý ngon tuyệt cho mùa đông này. Bạn có thể trộn và kết hợp rau tùy thích, miễn sao làm hài lòng em bé nhỏ kén ăn của bạn.
Bí ngòi cắt lát
Món này ngon tuyệt khi ăn nóng, nhưng nếu cần, bạn vẫn có thể để đông lạnh và mang theo cho bé ăn khi đi dã ngoại. Sáng tạo thêm bằng cách thêm giăm bông thái nhỏ hoặc thậm chí một hộp nhỏ cá ngừ.
Bánh xếp nhân cá ngừ
Món này cực thích hợp trong một ngày bận rộn, nhưng vẫn đảm bảo được hàm lượng rau và cá cho bé.
Món gà hầm thơm phức
Món ăn đơn giản và ngon lành này này giúp xua đi cái lạnh trong mùa đông. Đặc biệt cảm ơn mẹ Huggies-Lana vì đã sáng tạo công thức này.
Xem nhiều công thức nấu ăn hơn
Lời khuyên về thói quen ăn uống lành mạnh cho bé sơ sinh và bé tuổi tập đi
Dưới đây là một số gợi ý chung giúp bạn thiết lập một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và bổ dưỡng, qua đó hình thành thiện cảm của bé đối với các bữa ăn và thực phẩm:
- Chuyển đổi từ thức ăn xay nhuyễn đến thức ăn cắt nhỏ khi bé được khoảng 9 tháng. Khuyến khích bé tự xúc ăn khi bé đã có một số răng hỗ trợ việc nhai, việc này giúp bé không bị kén chọn thức ăn.
- Chuyển chế độ ăn thành ba bữa chính và hai bữa phụ khi bé được 9-12 tháng.
- Thường xuyên cho bé ăn lượng nhỏ thức ăn.
- Để các món ăn nhẹ bổ dưỡng ở nơi bé có thể lấy được.
- Tạo cho bé chu trình ăn uống dễ nhớ, cho bé ngồi cùng bàn ăn, xúc ăn và nói chuyện cùng với mọi người.
- Hãy sáng tạo món mới. Đừng bỏ cuộc nếu bé tỏ ra không thích món nào, mà hãy cho bé ăn lượng nhỏ hơn để thuyết phục bé. Một ngày nào đó bạn có thể thấy sự thay đổi!
- Duy trì nấu những món bé thích nhưng cũng nên cho bé thử món mới.
- Chuẩn bị cho bé những bữa ăn đơn giản nhưng ngon lành, tạo cho bé thói quen và sự thoải mái với thức ăn.
- Hãy tạo cho bé một ấn tượng tốt với thực phẩm, vì việc này có ích hơn việc chỉ bắt bé ăn mà thôi. Bữa ăn nên vui vẻ, thú vị và đừng quên khen bé.
- Cố gắng sáng tạo khi bạn trình bày thức ăn trên đĩa. Bé sẽ khoái chí với một khuôn mặt tươi cười làm từ bằng một vài đậu Hà Lan trên đĩa khoai tây nghiền.
- Luôn luôn là một hình mẫu tốt cho bé. Trong những năm đầu đời, bé sẽ học được nhiều nhất từ hành vi của những người gần gũi nhất với bé.
- Tránh cung cấp thức ăn vặt cho bé. Nó sẽ làm cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn nhiều và con bạn sẽ được khỏe mạnh.
- Tranh thủ sự hỗ trợ của những người gần gũi nhất với bé - ông bà, cô dì, chú bác, những người chăm sóc … để hỗ trợ các thói quen ăn uống mà bạn muốn bé học được..
Thực phẩm và dinh dưỡng
Tại sao bé của bạn không chịu ăn?
Bé tuổi tập đi từ chối thức ăn vì nhiều lý do: không thích thú với món ăn, thích tự xúc ăn, bé mọc răng, bị ốm, hay có thể do chưa quen với sự chuyển đổi chế độ ăn. Bé được cho ăn thức ăn mềm, thức ăn xay nhuyễn quá lâu có thể trở nên khá kén chọn, các bé đã quen với các loại thực phẩm ngọt như trái cây cũng khó thích nghi với các loại rau vốn có vị cay và đắng.
Dạ dày của bé tuổi tập đi còn nhỏ nên chỉ cần bé ăn đồ ăn nhẹ, uống sữa và các loại thức uống khác thì bé đã no rồi. Tránh cho bé ăn nhẹ quá gần với bữa ăn chính, đừng cho bé ăn vặt, và cho bé uống sữa sau bữa ăn.
Một số bé có thể có thói quen ăn uống khác bạn, bé thích ăn nhiều trong những bữa chính và ăn nhẹ hơn vào các bữa còn lại trong ngày. Một số bé thậm chí chỉ ăn nhiều vào bữa trưa và không đụng đến thức ăn của bữa tối. Bạn đừng lo vì đây hoàn toàn là một điều bình thường. Đừng bao giờ bắt bé ăn khi bé không thích vì hành động này của bạn sẽ tạo cho bé một ấn tượng xấu, lâu dài về việc ăn uống. Dọn cho bé thức ăn bổ dưỡng mỗi ngày và cho bé lựa chọn những thứ bé thích. Hãy kiên nhẫn, kiên trì và nhất quán.
Bạn có thể làm gì để khuyến khích bé ăn uống lành mạnh?
Một trong những công cụ thực sự có giá trị mà bạn có trong tay đó là khả năng kiểm soát môi trường – bạn biết và điều khiển được những gì xảy ra trong gia đình, nó sẽ xảy ra thế nào, ở đâu, với ai, quy luật ra sao. Đây thực sự là một năng lực mạnh mà bạn có thể sử dụng để giữ cho mọi thứ đi đúng hướng.
Ví dụ nhé, bạn là bếp trưởng trong nhà, hãy sử dụng năng lực của bạn. Cho bé tham gia sơ chế thực phẩm và nấu ăn. Tranh thủ sự giúp đỡ của bé bằng cách giao cho bé việc lột vỏ, cắt nhỏ (cẩn thận!), đổ, khuấy, dọn cơm, bày chén dĩa. Luôn luôn quan sát bé và đảm bảo bé được an toàn. Dạy bé dọn dẹp sạch sẽ khi xong việc. Con trai nhỏ của tôi hay gạt rau xanh qua một bên, nhưng bé lại rất hào hứng giúp tôi sấy bí ngòi, trộn chúng vào bánh và nướng chúng lên. Cuối cùng bé ăn sạch sẽ phần bí ngòi trong bánh khi chúng đã được nướng chín.
Tự trồng rau quả ở nhà là một cách tuyệt vời làm cho bé thích thú hơn với thực phẩm và tạo cho bé một cơ hội khám phá. Bé nào cũng sẽ cực kì hào hứng khi thấy một củ cà rốt hay khoai tây nảy mầm, hay trông thấy một hạt đậu tách vỏ và nhô lên. Nếu bạn không có vườn, đừng lo vì vẫn còn có cách khác để làm. Hãy sáng tạo và rủ bé biến một xe đẩy đồ chơi hỏng, một chiếc xô cũ thành một chậu cây.
Đọc thêm về làm vườn với bé
Những điều khác cần lưu ý: hãy kiên quyết, tránh những thứ làm bé phân tâm (như TV và đồ chơi), kiên trì và nhẹ nhàng với bé. Hãy khôn ngoan gieo vào lối sống của bé những mầm thói quen tốt. Đừng bao giờ bỏ cuộc, và luôn luôn cho bé thực phẩm lành mạnh. Một khi bạn cho bé ăn vặt, bạn sẽ khó lòng mà dừng cơn lũ đó lại.
Thức uống, thức ăn dạng lỏng
Với bé khoảng 6 tháng tuổi, tốt nhất bạn nên sử dụng cốc ăn có nắp cho thức uống hay thức ăn lỏng khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa bột. Cho bé uống thức uống đóng chai làm tăng nguy cơ sâu răng của bé. Hãy để ý nếu bé thường xuyên uống thức uống đóng chai vì như thế lúc nào răng của bé cũng tiếp xúc với đường và sữa.
Luôn luôn cung cấp đồ uống thường xuyên cho con bạn trong suốt cả ngày. Phản xạ khát của bé vẫn đang phát triển, vì vậy bé có thể không nhận ra rằng mình đang khát. Điều này về lâu dài có thể dẫn đến táo bón.
Ngoài ra, mặc dù sữa là nguồn cung cấp canxi và protein quan trọng, nhưng cho bé uống quá nhiều sữa (hoặc nước) có thể làm bé no và không hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng khác từ các bữa ăn trong ngày. Điều này cũng giải thích vì sao bé của bạn không chịu ăn nhưng cứ uống sữa liên tục.
Nước ép trái cây
Nhiều bà mẹ tin rằng nếu chúng ta cho bé uống một ít nước trái cây như vậy là đủ các chất dinh dưỡng quan trọng, (ví dụ như vitamin C) cho bé. Nước trái cây và các sản phẩm thay thế sữa như sữa đậu nành, yến mạch và sữa gạo có thể được sử dụng (với lượng phù hợp) trong chế độ ăn hàng ngày của bé, nhưng không phải là không có vấn đề. Một trong những vấn đề lớn là các loại nước ép (hay quá nhiều sữa) thay thực phẩm, có thể dẫn đến sự mất cân bằng dinh dưỡng. Tốt hơn hết, bạn hãy thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh bằng cách khuyến khích con bạn uống nước, hoặc uống sữa với lượng phù hợp với tuổi của bé.
Bé trong độ tuổi từ 1-6 tuổi không nên uống nhiều hơn 150ml mỗi ngày (khoảng nửa ly).
Đọc nhãn thực phẩm để biết hàm lượng đường
Đường thông thường (đường ăn còn gọi là đường mía, sucrose) là thủ phạm chính gây sâu răng cũng như làm gia tăng nguy cơ bệnh tiểu đường và béo phì. Bạn nên có 1 thói quen theo dõi lượng đường trong thực phẩm mà bé ăn mỗi ngày.
Đường là một thành phần 'ẩn' nổi tiếng trong nhiều loại thực phẩm, đôi khi ngay cả trong các loại thực phẩm bạn có thể không ngờ tới-chẳng hạn như sốt trộn salad, bánh quy, nước sốt cà chua, đậu nướng, súp đóng hộp và rau quả đóng hộp, ngũ cốc ăn sáng, sữa chua và nước ép trái cây.
Một cuộc khảo sát gần đây trên hơn 2000 các loại ngũ cốc ăn sáng cho thấy:
- Tất cả các loại ngũ cốc cho trẻ em (ngoại trừ duy nhất một sản phẩm) có quá nhiều đường và quá ít chất xơ.
- 10 trong số 20 loại ngũ cốc cho trẻ em là có hàm lượng đường khoảng 40 %
Nguồn: Tạp chí lựa chọn, Úc, tháng 5/2003
Những kẻ thù khác bao gồm nước ngọt, mứt, kem, bánh, kẹo và bánh ngọt. Đặc biệt, hãy tránh xa nước giải khát vì có trung bình khoảng 8-9 muỗng cà phê đường trong mỗi lon.
Cách đơn giản để giảm lượng đường
- Hãy chú ý có những loại đường khác nhau trong thực phẩm như: sucrose, glucose, lactose, fructose, sorbitol, manitol, xi-rô ngô, mật ong, mạch nha, chiết xuất từ hèm, maltose, chiết xuất từ gạo, đường, xi-rô vàng, và đường đảo.
- Kiểm tra vị trí của đường trong danh sách thành phần. Chọn thực phẩm không thêm đường khi chế biến hoặc những loại mà trong đó đường không được liệt kê trong ba thành phần đầu.
- Tránh thêm đường vào thức ăn, ví dụ như ngũ cốc ăn sáng. Thay vào đó, thêm sữa chua hay trái cây để cung cấp protein, chất xơ và chất dinh dưỡng bổ sung.
- Giảm lượng đường được sử dụng trong nấu ăn và nướng bánh. Bạn sẽ ngạc nhiên với lượng đường bạn cần khi làm bánh, bánh chuối hầu như không cần thêm đường!
- Thay thế bánh quy và kẹo bằng trái cây tươi hoặc khô.
- Uống nước hoặc nước trái cây pha loãng thay vì nước ngọt và nước tăng lực. Một lon nước ngọt chứa khoảng chín muỗng cà phê đường.
- Lựa chọn các loại nước ép trái cây ghi “không thêm đường”
Một số thông tin nhanh
Bạn có biết rằng các sản phẩm sữa có thể bảo vệ chống lại vi khuẩn trong miệng gây sâu răng?
Tất nhiên, vệ sinh răng miệng là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để tránh sâu răng, nhưng bạn có biết rằng sữa có thể giúp bạn chống sâu răng? Một số thành phần của sữa có thể ngăn ngừa mảng bám hình thành trong quá trình phân hủy thức ăn cũng như ngăn chặn sự mất mát của các khoáng chất từ răng. Hiệp Hội Nha Khoa còn đề nghị bạn ăn một lượng nhỏ của pho mát sau khi ăn ngọt vì pho mát sẽ giúp trung hòa axit sản xuất bởi các vi khuẩn trong miệng.
Tìm hiểu thêm về chăm sóc răng cho bé
Không phải tất cả sữa chua đều như nhau
Nhiều loại sữa chua chỉ đơn giản là sữa đặc có pha thêm đường và trái cây. Sữa chua thật được làm từ sữa lên men với sự có mặt của các vi khuẩn. Khi sữa được lên men theo cách này, vi khuẩn đã tiêu hóa một phần đường sữa (lactose), giúp sữa chua này tốt và phù hợp ngay cả với những người dị ứng với lactose trong sữa. Vi khuẩn này đã được chứng minh là làm giảm nhiễm trùng đường hô hấp ở bé sơ sinh cũng như làm bé đi vệ sinh tốt hơn. Chế phẩm sinh học cũng giúp hệ miễn dịch bằng cách hỗ trợ đường ruột như một tuyến phòng thủ. Các sản phẩm này có thể phù phợp với người bị dị ứng và những người có hội chứng ruột kích thích.
Tác giả: Sưu tầm