Thành phần dinh dưỡng cần thiết cho trẻ 6 tháng tuổi
- 6 tháng tuổi là giai đoạn trẻ cần bổ sung dinh dưỡng ngoài sữa mẹ, mặc dù sữa vẫn chiếm tỉ lệ ¾ tổng lượng thức ăn mỗi ngày. Vì vậy mẹ nên tập cho bé ăn dặm đồng thời tiếp tục cho bé bú sữa mẹ.
- Chế độ ăn dặm hàng ngày của bé 6 tháng tuổi cần cung cấp đủ dinh dưỡng với 4 nhóm chất cần thiết gồm bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
Ví dụ: Bát bột của trẻ phải bao gồm: Bột, thịt (hoặc trứng, cá, tôm, cua, đậu phụ..) với rau xanh thái nhỏ hoặc nghiền nát, thêm từ 1 đến 2 thìa dầu hoặc mỡ.
- Thực hiện phương pháp tô màu bát bột: thành phần trong bột thay đổi mỗi bữa, có màu sắc: màu xanh của rau, màu đỏ của củ, làm cho bát bột đầy đủ thành phần vitamin và khoáng chất cần thiết.
Cách cho trẻ ăn dặm
- Tiếp tục cho bé bú sữa mẹ và ăn hai bữa bột xen kẽ với sữa mẹ mỗi ngày.
- Để bé thích nghi dần với thức ăn mới và đảm bảo bé sẽ không bị tiêu chảy hoặc suy dinh dưỡng, mẹ hãy ghi nhớ nên cho bé ăn từ từ, từng ít một, từ ít đến nhiều, cho ăn từ loãng đến đặc.
- Mẹ nên cho bé làm quen với bột ăn dặm ngọt trước, sau đó mới chuyển sang bột mặn.
- Hãy để cho bé thích thú với món bột bằng cách cho bé thử với một muỗng cà phê, rồi tăng lên 2, 3, 4 muỗng.
- Thời gian tập ăn cho bé thường trong vòng 2-3 ngày. Sau đó mẹ có thể tăng dần lượng thức ăn, cũng như độ đặc của thức ăn.
- Với những bé biếng ăn, ở giai đoạn tập ăn dặm mẹ không nên chia ra quá nhiều bữa. Nếu mỗi bữa bé ăn quá ít thì sau mỗi cữ bột tập ăn cần kết hợp cho trẻ bú thêm để thành một bữa no, giúp hệ tiêu hóa quen với việc hoạt động một lần.
Thời gian biểu ăn dặm
- Bé 6 tháng tuổi ăn dặm chỉ cần 2 bữa/ ngày là đủ
- Các bé ở tuổi ăn dặm vẫn còn duy trì bú sữa mẹ nên việc chọn thời gian ăn không cần quá cứng nhắc, chỉ cần đảm bảo một ngày cho bé ăn 2 bữa cách xa nhau.
- Dưới đây là một gợi ý cho thực đơn dinh dưỡng cho trẻ 6 tháng để các mẹ tham khảo:
Gợi ý giúp mẹ thức đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi
Để chuẩn bị cho bé yêu bắt đầu tập ăn dặm, mẹ có thể tham khảo một số mẫu thực đơn bên dưới do các chuyên gia dinh dưỡng tính toán phù hợp với các bé 6 tháng tuổi nhé:
BỘT ĐẬU XANH & BÍ ĐỎ:
|
Bột gạo tẻ: 15gam (tương đương 3 thìa cà phê)
Bột đậu xanh: 10gam (tương đương 2 thìa cà phê)
Bí đỏ: 4 miếng nhỏ nghiền nát
Mỡ ăn (dầu ăn): 1 thìa cà phê
Nước: 1 bát con
|
BỘT TÔM:
|
Bột gạo tẻ: 20gam (tương đương 4 thìa cà phê)
Tôm biển tươi (bỏ vỏ, giã nhỏ): 15gam (tương đương 3 thìa cà phê)
Rau xanh giã nhỏ: 2 thìa
Mỡ (dầu ăn): 1 thìa
Nước 1 bát con
|
BỘT TRỨNG:
|
Bột gạo tẻ: 20gam (tương đương 4 thìa cà phê)
Trứng gà: 1 lòng đỏ trứng gà hoặc 4 lòng đỏ trứng chim cút (tương đương với 10gam)
Rau xanh giã nhỏ: 2 thìa cà phê
Nước: 1 bát con
|
BỘT THỊT:
|
Bột gạo tẻ: 20gam (tương đương 4 thìa cà phê)
Thịt nạc: 10gam (tương đương 2 thìa cà phê)
Mỡ (dầu ăn): 1 thìa cà phê
Nước: 1 bát con
|
BỘT CÁ:
|
Bột gạo tẻ: 20gam (tương đương 4 thìa cà phê)
Cá quả gỡ bỏ sạch xương: 10gam (tương đương 2 thìa cà phê)
Mỡ (dầu ăn): 1 thìa cà phê
Rau xanh giã nhỏ: 2 thìa cà phê
Nước: 1 bát con
|
BỘT GAN (GAN GÀ, GAN LỢN):
|
Bột gạo tẻ: 20gam (tương đương 4 thìa cà phê)
Gan (gà, lợn) băm hoặc nghiền nát: 10gam (tương đương 2 thìa cà phê)
Mỡ (dầu ăn): 1 thìa cà phê
Rau xanh giã nhỏ: 2 thìa cà phê
Nước: 1 bát con
|
Ngoài những thực đơn trên, mẹ cũng có thể tìm thêm những món tương tự để làm phong phú thêm thực đơn cho bé mỗi ngày và đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất để bé yêu có thể phát triển toàn diện.
Tác giả: Sưu tầm