Từ lâu, nghề giáo viên đã được biết đến là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Nghề giáo viên đều có chung một công việc là “dạy học”, hay có cách gọi cao quý là nghề “trồng người”. Tuy nhiên công việc của cô giáo mầm non không phải là “dạy” mà còn phải “nuôi”, phải “ dỗ”. Vì thế công việc của cô giáo mầm non có đặc thù riêng, cô giáo mầm non không chỉ là người thầy mà phải như người mẹ, phải yêu trẻ như con của mình.
Nguyễn Văn Tý tác giả bài hát “Niềm vui cô nuôi dạy trẻ” đã viết:
“ Mùa xuân ai đi hái hoa, còn em đi nuôi dạy trẻ
Sao em muốn đàn em mau khỏe, sao em muốn đàn em mau ngoan”.
Nhắc đến cô giáo mầm non, từ lâu chúng ta đã không còn lạ lẫm gì với hình ảnh những cô giáo đáng yêu, đáng kính, chăm chỉ, nặng lòng với nghề, tất bận từ buổi sáng sớm tới chiều muộn với đàn trẻ thơ ngây, hồn nhiên đến lạ thường.
Bản thân tôi xin được chia sẻ tới các bạn về một tấm gương tiêu biểu trong nhà trường với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, lòng nhiệt tình và giàu lòng nhân ái của một giáo viên đã nhiều năm cống hiến trong nghề nuôi dạy trẻ đó là cô giáo: Đào Thị Phượng.
Cô bước vào nghề từ năm 2009 đến nay đã tròn 15 năm quả là một quãng thời gian không ngắn. Nhưng tất cả những gì cô đã làm đều thể hiện rõ cô là một trong những tấm gương nhà giáo tận tâm với nghề dạy học, tận lực với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, rất xứng đáng được tôn vinh.
Sinh ra và lớn lên trên một vùng quê nghèo khó. Vậy mà cô đã không ngừng khắc phục mọi khó khăn để vươn lên, để tự khẳng định mình và trở thành một con người thật có ích cho đời, cho xã hội. Có rất nhiều người nói với nhau rằng: Hình như cô sinh ra là để làm người cô giáo ươm những mầm xanh cho quê hương đất nước. Không những như vậy mà trong những năm đó phụ cấp chẳng được là bao nhiêu và hầu như là không có. Cuộc sống khốn khó đã hun đúc trong cô tính cần cù, tỉ mỷ, chịu thương, chịu khó. Cô sống rất chân thành, mộc mạc, sẵn sàng sẻ chia với những khó khăn của người khác và luôn luôn khát khao được góp phần đào tạo những mầm xanh trở thành những con người có ích như chính bản thân cô.
Suốt những năm làm nghề nuôi dạy trẻ, cô luôn cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và kiến thức đã được học tập của mình, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh những công việc ấy cô không ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, mặt khác cô luôn ân cần, tận tình trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Nhờ đó mà lớp do cô chủ nhiệm luôn duy trì được sĩ số trẻ từ đầu năm học đến cuối năm học đạt 100%, không có trẻ bỏ học giữa chừng, tỷ lệ trẻ tăng cân đều đặn hàng quý, 100% trẻ đạt được các mục tiêu của việc đánh giá trẻ. Tất cả các cháu đến lớp đều thích tham gia các hoạt động, phát huy được tính tích cực, năng động và sáng tạo trong quá trình tham gia các hoạt động học tập và vui chơi, các cháu nhanh nhẹn, hồn nhiên, ngoan ngoãn và lễ phép, biết chào hỏi khi có khách đến lớp, biết cảm ơn khi được người khác giúp, biết xin lỗi khi mắc lỗi.
Suốt những năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ cô giáo Đào Thị Phượng luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của một cô giáo mầm non về đạo đức nghề nghiệp của một nhà giáo.Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên mầm non phải có đó là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì và sự bền bỉ bởi vì đặc thù trẻ ở lứa tuổi mầm non là lứa tuổi các cháu rất hiếu động, tinh nghịch và rất dễ bắt chước người lớn. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ thì cô giáo cũng phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái, lời nói, sự giao tiếp, thái độ, cách đi đứng, cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh đặc biệt là với trẻ ở lứa tuổi mầm non sao cho chuẩn mực và luôn luôn phải là tấm gương sáng cho trẻ noi theo.Cô giáo Đào Thị Phượng luôn nhiệt tình và đi đầu trong công việc, thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do trường phát động, tham gia vào các hội thi, hội thảo như: hội thi giáo viên dạy giỏi, hội thi làm đồ dùng, đều đạt giải và đều được ghi nhận.Bản thân cô luôn cố gắng thực hiện tốt các hoạt động của nhà trường, có nhiều tiết dạy tốt và luôn nhắc nhở, động viên các giáo viên trong tổ cũng như trong trường thực hiện tốt quy chế chuyên môn, chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ theo đúng giờ giấc. Đồng thời xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào giảng dạy và đạt kết quả cao.
Chính vì vậy mà lớp học do cô Phượng chủ nhiệm nhiều năm liền được nhà trường chọn làm lớp điểm của trường..
Không thể nói hết lên bằng lời về tấm gương mẫu mực của cô giáo Đào Thị Phượng. Cô xứng đáng là một tấm gương sáng, tấm gương đạo đức hết lòng cống hiến cho nhà trường, cho ngành giáo dục và hết lòng vì sự nghiệp trồng người cho thế hệ mai sau của trường mầm non Thượng Thanh nói riêng và bậc học mầm non nói chung. Cô cũng chính là người mà bản thân tôi cảm thấy tâm đắc và yêu mến. Xin kính chúc cô luôn luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống. Tiếp tục ươm những mầm xanh cho thế hệ tương lai, xứng danh Người Mẹ hiền của các con!