Tăng cường đề kháng giúp trẻ mẫu giáo bớt ốm vặt
Đi nhà trẻ, bé thường quấy khóc, biếng ăn và dễ ốm; mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con, tìm hiểu kiến thức phòng bệnh, tăng sức đề kháng.
Các chuyên gia gọi hiện tượng bé biếng ăn và ốm vặt thường xuyên hơn khi vào độ tuổi mẫu giáo (2-5 tuổi) là "bệnh nhà trẻ". Tâm lý sợ xa bố mẹ, ngại giao tiếp với người ngoài và cảm thấy lạ lẫm với môi trường mới khiến các em e dè, bám mẹ không chịu đến lớp, dễ lo lắng, quấy khóc. Đôi khi, việc nhớ bố mẹ và căng thẳng còn khiến bé biếng ăn, thụ động giao tiếp hơn ở nhà trẻ, gây sụt cân và tính tình thay đổi.
Ngoài ra, đi nhà trẻ khiến bé phải tiếp xúc và chia sẻ không gian sinh hoạt, ăn uống với nhiều người, nhiều vật hơn. Việc dùng chung đồ dùng cá nhân, đồ chơi và dụng cụ học tập với bạn có thể là điều kiện tiếp xúc với tác nhân gây bệnh tiềm ẩn trong môi trường, khiến bé dễ bị cảm cúm, ốm sốt...
Đó là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ đi mẫu giáo trước 2,5 tuổi thường mắc các bệnh lây nhiễm như ho, cảm nhiều hơn thời gian trẻ được chăm sóc ở nhà. Chia sẻ tại Hội thảo về miễn dịch cho trẻ nhỏ vừa diễn ra mới đây ở Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội cho biết, sức đề kháng của trẻ còn non nớt, chưa hoàn thiện là nguyên nhân khiến các em dễ mắc bệnh hơn, lâu khỏi và hay tái phát lại.
Hệ thống miễn dịch của bé lúc này chưa quen chống chọi với các tác nhân gây bệnh bên ngoài, khả năng tiêu diệt các virus và vi khuẩn còn kém, nồng độ kháng thể trong máu cũng thấp hơn so với tuổi trưởng thành. Khi đó, môi trường nhà trẻ đông đúc, phức tạp và khó cách ly dễ khiến bé lây nhiễm bệnh. Đặc biệt là vào mùa dịch bệnh như cảm cúm, tay chân miệng... hoành hành, một trẻ bệnh sẽ kéo theo các bé khác bệnh cùng.
Môi trường nhà trẻ đông đúc, bé tiếp xúc và chia sẻ không gian sinh hoạt, ăn uống với nhiều người dễ gặp nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Tiến sĩ Lê Minh Hương - Trưởng khoa miễn dịch Bệnh viện Nhi Trung ương khuyên phụ huynh nên dành thời gian trò chuyện, chuẩn bị tâm lý cho trẻ nhỏ, giải thích nhẹ nhàng cho bé hiểu sự cần thiết của việc đến trường để giúp bé vượt qua sợ hãi ban đầu.
Trong sinh hoạt hàng ngày, mẹ cũng nên khuyến khích tính độc lập và tự tin của trẻ, động viên bé làm quen với đám đông, giao tiếp với bạn bè và thầy cô để xoa dịu những căng thẳng tâm lý, giúp trẻ mau chóng hoà hợp với trường lớp.
Về thể chất, để có sức khỏe tốt và khả năng phòng ngừa bệnh trong môi trường học tập chung, bố mẹ nên bảo đảm giờ ngủ cho bé đủ 7-8 tiếng mỗi đêm. Tập cho bé các thói quen phòng ngừa bệnh như che mũi và miệng khi ho, hắt hơi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
Mẹ cần chú ý tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho bé bằng dinh dưỡng trước thời gian đi nhà trẻ ít nhất một tháng. Bác sĩ chuyên khoa Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội tổng quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng chia sẻ mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, chú trọng thực đơn giàu dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ trong giai đoạn này.
Cần bổ sung dưỡng chất tăng sức đề kháng cho con trong bữa ăn hàng ngày.
Sức đề kháng là lá chắn sinh học mạnh mẽ nhất bảo vệ bé con trong những ngày đến lớp. Mẹ có thể bổ sung các dưỡng chất tăng sức đề kháng cho con trong bữa ăn hàng ngày như đạm trong thịt cá trứng; vitamin trong rau, trái cây; kẽm, sắt trong cá, nghêu, sò...
Một giải pháp hiệu quả khác trong việc tăng cường sức đề kháng cho bé tuổi đi học là sử dụng sữa chua uống men sống để bổ sung lợi khuẩn (hay probiotic). Lợi khuẩn là nhóm vi sinh vật có lợi với khả năng tiêu diệt hại khuẩn (nhóm vi sinh vật có hại trong đường ruột), cân bằng hệ thống vi sinh của cơ thể. Từ đó kích thích hệ miễn dịch, tăng tốc chuyển hoá và bài tiết chất độc, giúp bé có một cơ thể khỏe mạnh, đẩy lùi bệnh vặt.